Stephen Wiltshire có khả năng vẽ lại sự vật chính xác đến từng chi tiết chỉ với một lần quan sát duy nhất và đã tái hiện lại các thành phố lớn trên thế giới hoàn hảo đến kinh ngạc.
Stephen Wiltshire là một họa sĩ chuyên vẽ tranh quang cảnh thành phố. Điều khiến anh trở nên nổi bật giữa rất vô vàn các nghệ sĩ khác chính là khả năng đặc biệt: Khắc họa chính xác giống y như thật mà chỉ cần đúng một lần quan sát nhanh.
Từng mắc chứng tự kỷ ở tuổi lên ba, giờ đây Stephen Wiltshire trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Anh.
Vẽ lại chính xác thành phố sau khi quan sát trong 20 phút
Stephen Wiltshire được biết đến rộng rãi là nhờ vào tài năng vẽ lại các thành phố bằng trí nhớ siêu phàm của mình.
Vào năm 2001, Wiltshire xuất hiện trong một chương trình tài liệu của BBC mang tên Fragments of Genius, trong đó anh quan sát London từ máy bay, sau đó hoàn thành bức vẽ hoàn hảo đến từng chi tiết một khu vực rộng 4 dặm vuông trong vòng ba giờ.
Wiltshire tiếp tục có một tác phẩm nổi tiếng khác cũng là London, nhưng lần này ở quy mô lớn hơn nhiều – đường chân trời thành phố London.
Người nghệ sĩ da màu chỉ cần năm ngày để hoàn thành bức vẽ dài 13ft (khoảng 3,6m) với bút, mực và bút chì, tái hiện chính xác đường chân trời dài bảy dặm của London sau khi quan sát từ trực thăng dọc sông Thames.
Trên bức tranh khổng lồ ấy, gần như mọi thứ đếu được vẽ chính xác đến hoàn hảo, từ tòa nhà chọc trời Swiss Re cho đến độ cao dựng đứng của Trung tâm thương mại tài chính Canary Wharf với số tầng và những đặc trưng kiến trúc tỷ mỉ và chi tiết.
Anh được ví như một chiếc máy ghi hình sống
Nhưng sự sáng tạo của Stephen Wiltshire có phải chỉ đơn giản như là một chiếc máy quay? Ngược lại, quá trình sáng tạo của anh ấy phức tạp nhiều hơn thế.
Tiến sĩ thần kinh học, tâm lý học Oliver Sacks, người luôn theo sát sự nghiệp của Wiltshire, cho biết những bức tranh của Wiltshire không giống những bản mô phỏng hay ảnh chụp máy móc, vô hồn.
Bức vẽ của Wiltshire gồm 12 tòa nhà lịch sử và hơn 200 công trình kiến trúc khác.
Những bức tranh ấy luôn thể hiện phong cách không thể lẫn đi đâu được của Wiltshire với sự thêm, bớt và thay đổi.
Thật sự là vậy, nếu nhìn kỹ vào bức tranh khắc họa đường chân trời London và so sánh chúng với những bức ảnh chụp cùng góc nhìn, sẽ thấy người họa sĩ này gia giảm vài chi tiết trong những bức vẽ của mình.
Không chỉ là London, Stephen Wiltshire từng phác thảo lại thành phố New York, và như mọi lần, luôn khiến người khác kinh ngạc và khâm phục tài năng đặc biệt của mình.
Trực tiếp trên sóng truyền hình trong năm ngày, Wiltshire đã phác thảo mọi thứ bản thân quan sát được – trong 20 phút ngồi trên máy bay trực thăng, ngắm toàn cảnh New York – trên bản vẽ còn dài hơn cả bản vẽ London trước đó với 19ft (gần 5,8m).
Biến bất lợi thành tài năng khác thường
Trí nhớ hơn người và tài năng hội họa giúp Stephen Wiltshire có sự nghiệp rực rỡ, với tài chính vững chắc và tất nhiên, là cả sự nổi tiếng và danh vọng. Ngưỡng mộ những tác phẩm hội họa của Wiltshire, người ta quan tâm đến việc anh làm thế nào để sở hữu khả năng xuất chúng đó.
Khi là một đứa trẻ, Wiltshire bị câm và không hề giao tiếp với mọi người xung quanh. Đến năm ba tuổi, Wiltshire được chuẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Và đây có thể chính là lý do cho năng khiếu nghệ thuật xuất sắc của Wiltshire.
Thành phố New York trong bức vẽ của Wiltshire.
Tiến sĩ Geraldine Dawson, Giám đốc phòng Khoa học của Autism Speak, giáo sư tâm thần học tại đại học Nam Carolina (Chapel Hill) cho rằng những khó khăn trong giao tiếp có thể giải thích cho những thành công của Wiltshire trong hội họa.
Geraldine Dawson cho hay, chứng tự kỷ mang đến thách thức và cả sức mạnh lạ thường. Wiltshire là một trong những người mắc chứng tự kỷ có tài năng đặc biệt trong hội họa và khả năng ghi nhớ hình ảnh của anh ấy vô cùng khác thường.
Chứng tự kỷ làm giảm khả năng giao tiếp giữa những phần nhất định của bộ não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xử lý thông tin của não bộ. Nhưng những cản trở này có thể giúp Wiltshire tập trung vào những chi tiết trong sự việc.
Người mắc chứng tự kỷ có khuynh hướng sử dụng những phần cảm giác thấp (của não bộ) một cách độc lập, những phần này không can thiệp với một vài phần ngôn ngữ và những phần cảm giác cao hơn – những khu vực dường như cản trở khả năng nhìn và tái hiện lại một cảnh vật.
Bức tranh cong dài hàng mét của người họa sĩ tài ba.
Những người không mắc chứng tự kỷ có thể có rất nhiều suy nghĩ phân vân: Tại sao những tòa nhà kia lại gần nhau như vậy? Tại sao tòa nhà nhỏ bé lại nằm kẹp giữa những tòa cao lớn? Tôi băn khoăn có chỗ nào tốt để dùng bữa ở dưới kia? Trong khi đó, Wiltshire lại có thể tập trung dễ dàng vào những chi tiết đơn lẻ.
Trong những năm tháng ấu thơ, Wiltshire sống hoàn toàn trong thế giới của riêng mình và không cần đến ngôn ngữ. Nhưng với Stephen Wiltshire, điều đó không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Thay vì chìm đắm trong nỗi bất hạnh không thể giao tiếp bằng lời, anh ấy đã tìm ra một cách khác để liên hệ với thế giới và mài giũa những kỹ năng ấy.
Và việc quan sát những người như Stephen và khả năng đặc biệt của họ cho thấy, não bộ của con người sở hữu một năng lực kinh ngạc mà hầu hết chúng ta không thể khai thác và điều này dạy cho chúng ta nhiều thứ về năng lực của trí tuệ của con người.